Đất nền phía Đông TP HCM rớt giá

Nền biệt thự, nhà liên kế tại các dự án ở quận 2, 9 thuộc khu Đông Sài Gòn rớt giá trung bình 5-15% do một số nhà đầu tư chấp nhận lỗ để đẩy hàng nhằm thu hồi vốn.

Theo nghiên cứu của Savills Việt Nam, trong tháng 7 và 8, đất nền tại TP HCM (trên thị trường thứ cấp - nhà đầu tư bán) đã giảm trung bình 10-11% so với đầu năm 2013, trừ khu Phú Mỹ Hưng. Theo nhận định của Savills, dựa trên dữ liệu biểu đồ giá đất nền TP HCM, diễn biến giảm giá phân khúc này trong 2 tháng qua khá đột ngột vì trong suốt năm 2012 đều đi ngang, ít biến động.

Trong khi đó, thống kê của sàn TechcomReal, từ tháng 7 đến đầu tháng 9, tình hình giao dịch đất nền biệt thự, nhà liên kế trong các dự án ở quận 2, 9, Thủ Đức khá ảm đạm. Khu vực quận 2 giảm giá mạnh nhất, vơi mất 15% so với đầu năm, chủ yếu là địa bàn Thạnh Mỹ Lợi. Riêng khu An Phú - An Khánh giảm nhẹ 5%, đất nền Bình Trưng Đông hầu như không có giao dịch.

Cũng thuộc khu Đông Sài Gòn, mặt bằng giá nhà liên kế, biệt thự quận 9 giảm trung bình 10% tùy vị trí. Hiện giá đất nền Nam Long - Kiến Á giữ mức 14-15 triệu đồng mỗi m2, nền dự án Phú Nhuận 8-9 triệu đồng mỗi m2. Dự án An Thiên Lý ít mua bán nên giá chững lại, một số nhà đầu tư chào giá thỏa thuận giảm 5-10% nhưng cũng không có giao dịch thành công.

Đất nền khu Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 dù đã bán sang tay nhiều đời chủ nhưng rất ít người xây cất nhà cửa, cỏ dại và lau sậy mọc um tùm. Ảnh: T.S

Ngược với khu Đông, các dự án thuộc phía Nam TP HCM vẫn có giao dịch nhỏ giọt rải rác vài khu vực và giữ giá ổn định. Khảo sát của sàn Khải Hoàn Land và sàn Nam Việt tại khu Nam Sài Gòn (quận 7, 8, huyện Nhà Bè) trong tháng 8, giao dịch đất nền tuy chậm nhưng không có dấu hiệu giảm giá.

Cụ thể, đất nền Him Lam Kênh Tẻ giao dịch 40-45 triệu đồng một m2, biệt thự và nhà liên kế Khu làng Đại học giá 19-22 triệu đồng mỗi m2. Đất nền dự án quanh khu Phú Mỹ (Nhà Bè) 28-32 triệu đồng một m2. Khu 13A, 13B vẫn đứng giá và hầu như không có giao dịch.

Nguyên nhân giá đất nền khu Đông Sài Gòn đi xuống, theo Tổng giám đốc Công ty Techcomreal, Nguyễn Xuân Lộc là do nhà đầu tư cần tiền mặt buộc lòng bán dưới giá vốn.

Theo ông Lộc, đất nền Thạnh Mỹ Lợi giảm giá mạnh nhất khu Đông là do trong thời kỳ hoàng kim, nhà đất tăng nóng, khu này bị nhà đầu tư thứ cấp mua sang tay hàng chục lần, giá đội lên quá cao. Nay thị trường bất động sản khó khăn, tiến độ xây dựng khu vực này lại chậm nên nhà đầu tư đẩy hàng đi đều phải giảm giá, chấp nhận lỗ. Tuy nhiên, ông Lộc cũng cho rằng, hiện tượng đất nền khu Đông giảm giá chỉ diễn biến cục bộ ở một vài nền trong dự án và tỷ lệ giảm cũng không đồng đều nhau.

Một dự án đất nền tại quận 9, TP HCM đã làm xong hạ tầng và mở bán được vài năm cũng đang bị rớt giá trên thị trường thứ cấp. Ảnh: V.L.

Trao đổi với VnExpress.net, Tổng giám đốc Công ty đầu tư bất động sản Nam Việt, Phùng Văn Năng giải thích: "Đất khu Đông Sài Gòn, thuộc các quận 2, 9, Thủ Đức rớt giá nhiều hơn quận 7, 8, Nhà Bè vì sự tập trung dân số ở phía Đông chậm hơn phía Nam".

Theo ông Năng, đất quận 2 rớt giá nhiều nhất chủ yếu rơi vào những dự án có quá ít khách hàng xây nhà để ở. Dân cư thưa thớt sẽ khiến các dự án này khó đẩy hàng trong thời điểm thị trường bất động sản khó khăn, dẫn đến nhà đầu tư buộc phải giảm giá mới thu hồi được tiền về.

Lãnh đạo sàn Nam Việt lý giải, sở dĩ đất nền khu Nam TP HCM giữ giá tốt hơn khu Đông vì giá đất tại các quận 7, 8, Nhà Bè đã xuống đáy, giao dịch không nhiều, chủ yếu là khách mua để ở.

Ông Năng đưa ra ví dụ, trong tháng 9, một dự án đất nền thuộc quận 7 công bố giảm giá 50%, chào bán 40 triệu đồng một m2, giảm một nửa so với giá dự kiến 80 triệu đồng một m2. Tuy nhiên, đây chỉ là sụt giảm mức giá kỳ vọng. "Điều này có nghĩa là, so với thời hoàng kim năm 2007, giá đất quận 7 thời điểm này đã được điều chỉnh mạnh. Song nếu so với năm 2012 thì mức giá hiện nay hầu như không thay đổi", ông Năng nói.

Vũ Lê

Nguồn: VnEpress.net

Đất nền phía Đông TP HCM rớt giá Nền biệt thự, nhà liên kế tại các dự án ở quận 2, 9 thuộc khu Đông Sài Gòn rớt giá trung bình 5-15% do một số nhà đầu tư chấp nhận lỗ để đẩy hàng nhằm thu hồi vốn.