Vay mua nhà ở xã hội, vẫn chờ thông tư

Chờ thông tư

Gần hết tháng 4 rồi, nhưng Thông tư được chờ đợi của Ngân hàng Nhà nước về gói hỗ trợ 30 ngàn tỉ đồng vẫn chỉ dừng ở… dự thảo, dù dự kiến ban đầu là sẽ áp dụng kể từ giữa tháng này.

Sở hữu một căn hộ thuộc diện nhà ở xã hội là mong ước của nhiều người có thu nhập thấp.

Theo Vụ Tín dụng thuộc Ngân hàng Nhà nước, tháng 5 tới, chủ trương cho vay mua, thuê nhà ở xã hội được quy định tại Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP mới có thể được thông qua và có hiệu lực.

Hiện cơ quan này đang sửa lại một số nội dung của Dự thảo Thông tư cho phù hợp với nhu cầu thực tế theo đề nghị của các ban ngành, như thêm vào phần cho vay mua, thay vì chỉ thuê mua, hoặc thuê. Tuy nhiên, về nguồn cấp tín dụng, vẫn sẽ chỉ có năm ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước chi phối thực hiện gói cho vay trên, với lãi suất 6%/năm, thời gian trả nợ là 10 năm.

Trong ba năm đầu, lãi suất sẽ ở mức 6%, sau đó sẽ quy định lại lãi suất nhưng vẫn phù hợp với khả năng trả nợ của người vay, mà theo như đại diện của Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố, là sao cho người vay có lợi nhất. Lý do chỉ có năm ngân hàng tham gia chương trình là vì số tiền hỗ trợ không quá lớn nên không cần phải triển khai trên diện rộng và lãi suất tái cấp vốn là 4,5%/năm (chỉ thấp hơn 1,5%/năm so với lãi suất cho vay) cũng khó hấp dẫn các ngân hàng thương mại cổ phần.

Trên thực tế, ngân hàng tham gia chương trình phải tự xét duyệt hồ sơ vay, trích lập dự phòng rủi ro và nếu không thu hồi được nợ thì phải “lãnh đủ”, vì Ngân hàng Nhà nước sẽ thu lãi và vốn định kỳ, chứ không quan tâm đến việc ngân hàng tham gia có lãi hay lỗ khi cho vay những khoản đó.

Dù khoản tái cho vay này gần như không đem lại lợi nhuận cho năm ngân hàng tham gia chương trình, nhưng vì mục đích hỗ trợ thị trường bất động sản, cũng là góp phần hỗ trợ nền kinh tế, nên các ngân hàng được chỉ định vẫn tích cực tuân thủ sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Cũng bởi vì Thông tư chưa chính thức được thông qua, nên vẫn còn nhiều ý kiến đóng góp để các nhà hoạch định xem xét thêm một số điều trước khi ban hành.

Đầu tiên, nguồn cung nhà ở xã hội hiện không lớn, chưa thể đáp ứng nhu cầu nếu tất cả trong số 30 ngàn tỉ đồng này đều được vay để thuê, mua nhà ở xã hội, trong khi việc chuyển đổi từ dự án căn hộ thương mại sang dự án nhà ở xã hội để tăng nguồn cung là không đơn giản.

Tiếp đến, về đối tượng mua nhà, nếu vẫn chỉ bó hẹp trong tám nhóm đối tượng ưu tiên như trong Dự thảo Thông tư thì có thể không giải ngân hết gói hỗ trợ, lại có thể không đúng thực chất và thiếu công bằng.

Trên thực tế có nhiều người thuộc đối tượng ưu đãi và muốn mua nhà để ở nhưng chưa chắc họ đã vay nếu chỉ dùng để mua nhà ở xã hội, vì lo ngại về tiến độ, chất lượng hoặc diện tích không phù hợp. Ngoài ra, những quy định về nhà ở xã hội hiện nay, chẳng hạn như không được chuyển nhượng trong năm năm đầu, cũng sẽ khiến nhiều người chùn tay. Nên chăng cần mở rộng đối tượng, nếu ai có nhu cầu, có khả năng trả nợ, lần đầu mua nhà ở, đều được ngân hàng xem xét cho vay, với một định mức tối đa cho trước.

Đồng thời, quy định về thời gian chuyển nhượng nhà ở xã hội cũng nên giảm xuống chỉ còn 1-2 năm, vừa giúp người mua dễ dàng chuyển nhượng nếu cần, vừa thuận tiện cho ngân hàng có thể thu hồi lại căn nhà thế chấp để phát mãi khi người vay mất khả năng thanh toán.

Tiếp tục với những gói tín dụng hỗ trợ

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trong một cuộc phỏng vấn mới đây đã tái khẳng định ưu tiên của Bộ này nói riêng, Chính phủ nói chung là phải hỗ trợ thị trường bất động sản, giúp thị trường này sớm vượt qua tình trạng khó khăn hiện tại. Bởi theo các nhà điều hành, để nền kinh tế phát triển ổn định, cần phát triển các loại thị trường một cách đồng bộ, trong đó có thị trường bất động sản.

Thị trường bất động sản liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, đặc biệt là với thị trường tài chính – tiền tệ, các lĩnh vực sản xuất như vật liệu xây dựng, thép, nội thất… Ngoài ra, lĩnh vực bất động sản nói riêng, xây dựng nói chung còn cung ứng hạ tầng cho các khu công nghiệp, tạo nền tảng cho một nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Vậy nên khi thị trường bất động sản gặp khó sẽ ảnh hưởng không chỉ đến các ngành sản xuất khác mà còn có thể ảnh hưởng đến người lao động trong những lĩnh vực này, nghĩa là sẽ có tác động tiêu cực đến tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Chính vì những điều kể trên mà việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là một điều cần thiết và trong hệ thống giải pháp đồng bộ của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn chung của nền kinh tế có phần riêng dành cho bất động sản.

Để làm được việc này, cần một hệ thống giải pháp đồng bộ, trong đó có giải pháp về cấu trúc lại sản phẩm bất động sản, tạo thêm nguồn lực cho bất động sản, đặc biệt là nguồn vốn. Gói tín dụng 30 ngàn tỉ đồng cho những người trong diện được trợ giúp được vay để thuê, mua nhà ở tuy không lớn nhưng mang một ý nghĩa rất quan trọng.

Cùng với việc Nhà nước hỗ trợ không thu tiền sử dụng đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án xây dựng nhà ở xã hội, đây được hy vọng sẽ là một gói kích cầu để tăng việc tiêu thụ sản phẩm bất động sản, từ đó giúp các doanh nghiệp địa ốc tăng được năng lực sản xuất.

Không chỉ hỗ trợ các đối tượng với gói tín dụng 30 ngàn tỉ đồng, theo Bộ Xây dựng, Chính phủ vẫn đang tập trung thực hiện Chương trình 167 giai đoạn (2011-2015) với khoảng trên 500 ngàn hộ nghèo ở nông thôn được vay tiền để xây sửa nhà. Chính phủ còn có một gói hỗ trợ cho 70 ngàn người có công và gói hỗ trợ cho khoảng 60 ngàn hộ nghèo ở Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung – những vùng thường xảy ra bão lụt để cải thiện nhà ở.

Những gói hỗ trợ này được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản hồi phục, đồng thời cũng giúp cho những người có thu nhập thấp tăng cơ may sở hữu được nhà ở.

(Theo DNSGCT)
Vay mua nhà ở xã hội, vẫn chờ thông tư Tuần qua, điểm nhấn của thị trường vẫn chỉ nằm trên diễn đàn, với những vấn đề liên quan đến nhà ở xã hội, gói hỗ trợ 30 ngàn tỉ đồng của Chính phủ đối với người mua nhà loại này.